Tuy nhiên, việc GPMB lại đang vướng mắc rất nhiều khó khăn do cơ chế chính sách. Đây là vấn đề mà dự án (D.A) cải tạo, nâng cấp đường tránh trú bão, cứu hộ, cứu nạn, phát triển kinh tế biển và bảo đảm an ninh quốc phòng ven biển phía Nam tỉnh Thái Bình (gọi tắt là đường 221A) đang gặp phải, ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ thi công.

Gia đình ông Đào Văn Trà và bà Lê Thị Hương ở thôn Thủ Chính, xã Nam Chính, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình là 1 trong 3 hộ nằm trong quy hoạch xây dựng cầu tám tấn thuộc D.A đường 221A đi qua, cần phải di dời.

Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Tiền Hải là đơn vị thực hiện GPMB D.A đã nhiều lần đến tuyên truyền vận động, đưa ra các phương án đền bù, nhưng các hộ ở đây vẫn không đồng ý.

Nguyên nhân mà các hộ không đồng ý, đó chính là giá đền bù đất. Theo đơn giá của Nhà nước là đền bù 1.300.000đ/m2. Thực tế hiện nay, khi có D.A vào, các nhà đầu tư đã đón sớm làn sóng này nên giá đất ở đây đã tăng lên rất nhiều. Nếu đền bù theo khung giá Nhà nước thì những hộ ở đây rất khó để tìm kiếm cho mình một diện tích khác để sinh sống.

Bà Lê Thị Hương cho biết, khi D.A vào, gia đình luôn ủng hộ, nhưng hiện nay bà có hơn 450m2 nằm trong diện giải tỏa, giá đền bù này chỉ đủ mua được 100m2, chưa nói gì đến xây dựng, ổn định cuộc sống. Bà mong muốn Nhà nước đền bù với giá 4.000.000 đ/m2, mặc dù nhiều diện tích ở gần khu nhà bà, giá thị trường đã cao hơn con số 4 triệu đồng rồi.

3 hộ gia đình ở thôn Thủ Chính, xã Nam Chính theo thiết kế của D.A thì nằm dưới gầm cầu. Hiện, đơn vị thi công là Công ty Cổ phần Tập đoàn Phú Thành đã hoàn thành các trụ, nếu không giải phóng được 3 hộ này thì việc thi công sẽ phải dừng lại và chờ đợi.

Lãnh đạo Trung tâm Phát triển quỹ đất đến tuyên truyền. Ảnh: NH

Theo lãnh đạo của Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Tiền Hải, tuyến đường 221A có chiều dài 17,8km, hiện đơn vị đã bàn giao cho đơn vị thi công là Công ty Cổ phần Tập đoàn Phú Thành 10km, trong đó có 3,4 km không phải giải phóng là tuyến đường giao nối ra khu du lịch sinh thái Cồn Vành. Diện tích còn lại đang gặp rất nhiều khó khăn.

Ông Bùi Đức Thàn - Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Tiền Hải cho biết: Ngoài khó khăn về đơn giá đền bù thì hiện nay, việc GPMB đang gặp nhiều vấn đề khác như tìm hiểu về nguồn gốc đất, trích lục thu hồi đất trên nền bản đồ Vlap có nhiều diện tích không trùng khớp với thực tế; một số địa phương cho thuê đất, người dân đã xây dựng kiên cố, ở nhiều thế hệ, việc thu hồi, đền bù cũng khó khăn. Rồi việc phân định trong việc thu hồi nhà, công trình một phần hay toàn phần cũng đang rất vướng mắc.

Những khó khăn này, Trung tâm đã báo cáo UBND huyện Tiền Hải, Sở Tài nguyên Môi trường Thái Bình để có phương án tháo gỡ. Tuy nhiên, "việc này không phải một sớm một chiều, bởi đó là cơ chế, là chính sách cần có sự thống nhất của các cơ quan chức năng", ông Thàn nói thêm.

Đối với đơn vị GPMB, rất tích cực hoàn thiện các phương án để GPMB, cán bộ ở đây làm việc không có ngày nghỉ, nhưng làm đến đâu lại vướng đến đó. Trong khi đó, đơn vị không thể trực tiếp giải quyết được mà phải báo cáo, tham mưu và chờ ý kiến chỉ đạo. Sự nhùng nhằng, chờ đợi này đã làm cho tiến độ thi công bị chậm lại, gây tâm lý mệt mỏi chán chường cho công nhân, người lao động và nhân dân trên tuyến đường.

Thi công cầu Long Hầu. Ảnh: NH

Kỹ sư Nguyễn Thế Hùng- Chỉ huy trưởng Công trường 211A của Công ty Cổ phần Tập đoàn Phú Thành cho biết: Đơn vị đã đầu tư gần 300 tỷ đồng về phương tiện máy móc, dây chuyền bê tông tươi, khối lượng công trình, trong khi nguồn vốn còn khó khăn thì việc không có mặt bằng để làm đã gây ra những thiệt hại lớn. Nhiều tháng nay, không có mặt bằng, Tập đoàn vẫn phải trả lương giữ công nhân, kỹ sư. Máy móc thiết bị di chuyển nhiều nơi, chi phí tăng lên rất nhiều. Nếu tình trạng này kéo dài, thì anh em công nhân, kỹ sư không thể gắn bó được lâu, phương tiện sẽ bị hư hỏng.

Các vị trí được bàn giao mặt bằng, đơn vị đã tiến hành thi công xong, hiện nhà thầu mong giải phóng sớm 3 điểm là: sau mố cầu tám tấn, mố M3, trụ T2  (3 hộ thuộc thôn Thủ Chính xã Nam Chính) và đường điện để tập trung thi công cầu xong trước mùa mưa năm 2020;  23 lô đất thuộc khu sân phơi xã Nam Phú để lấy đường công vụ vận chuyển vật tư, bê tông từ trạm trộn để thi công D.A (việc chở nguyên vật liệu hiện nhờ vào các tuyến đê, nhưng giờ các tuyến đê cũng đã cấm đường nên việc thi công rất khó khăn ); sớm giải quyết 1,2km thuộc xã Tây Tiến để thông tuyến từ khu công nghiệp qua cầu tám tấn về xã Nam Chính trong năm 2020. Còn lại đơn vị thi công mong muốn tỉnh, huyện sẽ tháo gỡ dần.

 
Đường 221A xuống cấp nghiêm trọng. Ảnh: NH 

Mùa mưa bão đang đến, thời gian làm tuyến đường 221A đã đi quá 2/3 so với kế hoạch đề ra. Dường như khó khăn này vẫn đang tìm lời giải phù hợp giữa cơ chế chính sách và nguyện vọng của người dân, trách nhiệm của UBND một số xã trong việc cho thuê đất. Còn đơn vị thi công đứng giữa và chờ đợi. Nhưng tuyến đường 221A thì không thể chờ đợi, càng ngày càng xuống cấp nghiêm trọng, những ổ voi, hố sâu, lún sụt ngày càng nhiều. Tai họa rình rập hàng ngày đối với những người đi trên tuyến đường này.

D.A 221A là D.A trọng điểm của tỉnh Thái Binh, đó không chỉ là tuyến đường kết nối giao thông mà còn là con đường cứu hộ, cứu nạn, thúc đẩy kinh tế, du lịch, là cơ hội phát triển của các xã khu Nam huyện Tiền Hải tỉnh Thái Bình. Người dân kỳ vọng, các cấp chính quyền coi đây là cơ hội. Tất cả đang chờ đợi từ sự vào cuộc mạnh mẽ, giải pháp nhanh chóng phù hợp của các cấp có thẩm quyền.

Theo Báo Thanh Tra: https://thanhtra.com.vn/kinh-te/dau-tu/nha-thau-cho-lanh-dao-kho-nguoi-dan-ngong-169593.html